Trường Trung cấp Tây Nguyên đã tổ chức lễ bế giảng và trao bằng tốt nghiệp Y sĩ Y học Cổ truyền (YHCT) cho 18 học sinh và chứng chỉ xoa bóp, bấm huyệt cho 21 học viên khóa 14.

Trong bối cảnh xã hội ngày càng quan tâm đến phòng và điều trị bệnh bằng phương pháp không dùng thuốc (Xoa bópbấm huyệt; châm cứu; cấy chỉ ….) và sử dụng thuốc Đông y, ngày 03/8/2024, Trường Trung cấp Tây Nguyên (Số 01, Đường Lê Hồng Phong, TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) đã tổ chức lễ bế giảng và trao bằng tốt nghiệp Y sĩ Y học Cổ truyền (YHCT) cho 18 học sinh và chứng chỉ xoa bóp, bấm huyệt cho 21 học viên khóa 14. Được biết, đây là lớp học thứ ba được cấp bằng và hiện còn hai lớp YHCT đang tiếp tục học.

Theo chương trình, các tân y sĩ đã hoàn thành các môn học: Lý luận cơ bản YHCT; Châm cứu; Bài thuốc cổ phương; Quản lý và Tổ chức Y tế; Giải phẫu Sinh lý; Điều dưỡng cơ sở và Cấp cứu ban đầu; Vi sinh – Ký sinh trùng; Vệ sinh, Sức khỏe và Môi trường; Dược lý; Truyền thông giáo dục sức khỏe; Bệnh học Y học hiện đại; Đông Dược và Thừa kế; Bào chế Đông dược; Bệnh học YHCT; Xoa bóp, Bấm huyệt, Dưỡng sinh; Thực tập lâm sàng; Thực tập cộng đồng và Thực tập Tốt nghiệp…

Đối với người đã có bằng tốt nghiệp trung cấp trở lên khối ngành sức khỏe thì chỉ cần học 10 tháng, người đã có bằng trung cấp trở lên phải học 12 tháng, còn người có bằng tốt nghiệp THPT thì phải học 20 tháng.

Nhà trường đã tạo điều kiện cho các học sinh học ngoài giờ hành chính nên số lượng theo học ngành này ngày càng tăng. Những người đã có văn bằng như trung cấp, đại học, bác sỹ, thạc sĩ, thậm chí tiến sĩ hoặc đã có việc làm ổn định, có chức vụ, địa vị trong xã hội nhưng vì đam mê và nhận thức được giá trị của YHCT nên đã tham gia lớp học.

Sau khi tốt nghiệp, có người sẽ hành nghề YHCT nhưng cũng có người sử dụng kiến thức để tự chăm sóc sức khỏe cho bản thân và gia đình hoặc ứng dụng kiến thức trong cuộc sống hàng ngày bởi YHCT có những điều rất thú vị và kỳ diệu như chúng ta có thể tự xoa bóp, bấm huyệt để chữa bệnh hen phế quản (tức ngực, ho, khó thở …), giải độc gan, đau đầu, đau mỏi vai gáy, tê bì chân, tay, thoát vị đĩa đệm, buồn nôn, say xe …

Anh Kiều Văn Anh (sinh năm 1976), thạc sĩ xây dựng cầu đường, đang là giám đốc một doanh nghiệp tư nhân, học sinh YHCT tại Trường Trung cấp Tây Nguyên cho biết: Anh rất đam mê với YHCT, có ý định học tập về YHCT nhiều năm nay nhưng không tìm được nơi đào tạo phù hợp để tham gia. Rất mừng vì qua tìm hiểu, tại TP. Buôn Ma Thuột có lớp học nên tham gia ngay.

Chị Lê Thị Trang (sinh năm 1990), có bố là người sở hữu các bài thuốc gia truyền, chị theo học lớp này để kế tục và phát huy tốt các bài thuốc do ông cha để lại. Chị Thu Hồng (sinh năm 1989), phó giám đốc một doanh nghiệp trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột cũng tham gia lớp YHCT, chia sẻ: Vì đam mê với YHCT nên dù rất bận rộn nhưng có cơ hội được học tập là thu xếp để tham gia.

Anh Đinh Thế Phương (sinh năm 1968), là người đã biết bấm huyệt chữa bệnh khoảng 10 năm nay, bây giờ được tham gia lớp y sĩ YHCT là một cơ hội lớn để củng cố lý luận về YHCT và đi sâu vào thực hành bài bản, chính thống … phấn đấu để trở thành người “Sáng về y đức, sâu về y lý, giỏi về y thuật”, hay “Bàn tay vàng trong làng bấm huyệt” 

Về chất lượng đào tạo, Nhà trường có đội ngũ nhà giáo đảm bảo đủ trình độ và kinh nghiệm trong điều trị và giảng dạy YHCT cũng như y học hiện đại như bác sĩ chuyên khoa II, thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa I … Đặc biệt, trong chương trình, Nhà trường bố trí một thời lượng đáng kể, khoảng 4 tháng, cho học sinh thực tập, thực hành tại Bệnh viện YHCT tỉnh Đắk Lắk.

Theo Nghị định số 96/2023/NĐ-CP ngày 30/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định chi tiết một số điều Luật Khám bệnh, chữa bệnh thì để có chứng chỉ hành nghề, y sĩ YHCT phải thực hành tại bệnh viện 9 tháng, trong đó, 6 tháng thực hành chuyên môn khám, chữa bệnh, 3 tháng thực hành chuyên môn khám, chữa bệnh về hồi sức cấp cứu. Ngoài ra, y sĩ YHCT cũng phải tham gia kiểm tra đánh giá năng lực để được cấp giấy phép hành nghề. Biết vậy để chúng ta yên tâm hơn, tin tưởng hơn về chuyên môn đối với các thầy thuốc YHCT đã có chứng chỉ hành nghề.

Tây Nguyên là vùng đất có nguồn dược liệu tự nhiên quý hiếm hết sức phong phú, có khí hậu và thổ nhưỡng thuận lợi, có tiềm năng và lợi thế phát triển cây trồng, vật nuôi làm thuốc chữa bệnh. Nơi đây, có nhiều bài thuốc gia truyền cần được đánh thức và ứng dụng. Hy vọng rằng, tiếp tục ngày càng có nhiều người theo học ngành YHCT để góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa trong khám, chữa bệnh mà ông cha ta đã hun đúc hàng nghìn năm qua.

Xem thêm: https://suckhoeviet.org.vn/trao-co-hoi-tro-thanh-thay-thuoc-y-si-yhct-cho-nguoi-yeu-nghe-tai-tay-nguyen-13896.html

DƯỚI ĐÂY LÀ MỘT SỐ HÌNH ẢNH CỦA BUỔI LỄ

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *